Quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh cho thấy các doanh nghiệp khi muốn mở rộng quy mô, tăng lợi nhuận và giao dịch dễ dàng thường thông qua hai loại hình đó là thành lập chi nhánh hay địa điểm kinh doanh. Với mỗi loại hình sẽ có những ưu điểm, nhược điểm và quy định khác nhau. Vậy nên thành lập chi nhánh hay địa điểm kinh doanh? Bài viết sau, HM LAW sẽ giúp quý khách hàng làm rõ những băn khoăn này.
1. Căn cứ pháp lý
– Luật Doanh Nghiệp năm 2020;
– Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT ngày 16 tháng 03 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng kí doanh nghiệp;
– Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài.
2. Khái niệm địa điểm kinh doanh và chi nhánh
Theo quy định tại khoản 1, 3 Điều 44 Luật Doanh Nghiệp năm 2020, có thể hiểu:
Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo đó, chi nhánh là một phần khác của doanh nghiệp vừa đảm nhiệm và hoạt động kinh doanh các ngành, nghề giống với doanh nghiệp nhằm tạo ra doanh thu, vừa có chức năng tiến hành các hoạt động liên quan đến pháp luật theo sự phân công, ủy quyền của trụ sở chính.
Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành, thực hiện hoạt động kinh doanh cụ thể. Có nghĩa là, địa điểm kinh doanh chính là nơi mà doanh nghiệp thực hiện các giao dịch mua bán nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc khách hàng, thuận tiện trao đổi, giảm chi phí vận chuyển, tăng lợi nhuận.
3. Thành lập địa điểm kinh doanh hay chi nhánh
Chi nhánh hay địa điểm kinh doanh đều là hai hình thức mở rộng phạm vi kinh doanh với điểm chung:
- Về ngành nghề kinh doanh, chi nhánh và địa điểm kinh doanh đều được hoạt động kinh tất cả các ngành nghề mà doanh nghiệp đã đăng ký.
- Chi nhánh hay địa điểm kinh doanh đều phải nộp lệ phí môn bài theo Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài.
- Cả chi nhánh và địa điểm kinh doanh đều có thể được đặt tại tỉnh, thành phố khác với tỉnh, thành phố khác với trụ sở chính của doanh nghiệp.
- Theo Điều 40 Luật Doanh nghiệp năm 2020, tên phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu. Đồng thời, tên chi nhánh, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh. Ngoài ra, phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh và địa điểm kinh doanh. Phần tên riêng trong tên chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp” (Điều 20 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP).
Tuy nhiên, giữa địa điểm kinh doanh và chi nhánh có những điểm khác nhau như thế nào?
Về hình thức hạch toán và mã số thuế:
Địa điểm kinh doanh là đơn vị hạch toán phụ thuộc, chính vì vậy, địa điểm kinh doanh không có mã số thuế riêng, kê khai thuế tập trung tại trụ sở chính hoặc chi nhánh của doanh nghiệp, sử dụng hóa đơn của công ty.
Chi nhánh được lựa chọn hạch toán độc lập hoặc phụ thuộc, có con dấu và mã số thuế riêng.
Về thực hiện chức năng của doanh nghiệp:
– Địa điểm kinh doanh chỉ tiến hành hoạt động kinh doanh đã đăng ký và không thực hiện chức năng khác.
– Chi nhánh thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền.
Về con dấu: Do đặc điểm về sản xuất kinh doanh của từng loại hình, dễ thấy, chi nhánh có thể có con dấu riêng, còn địa điểm kinh doanh không được phép đăng ký và sử dụng con dấu riêng.
Như vậy, dựa trên những điểm giống và khác giữa hai loại hình này thì doanh nghiệp có thể xem xét dựa vào nhu cầu thực tế, mục đích kinh doanh để quyết định lựa chọn nên thành lập chi nhánh hay địa điểm kinh doanh. Nếu doanh nghiệp muốn thành lập một đơn vị kinh doanh với thủ tục đơn giản nhưng không muốn phát sinh các thủ tục kê khai thuế phức tạp như chi nhánh đồng thời có thể phát sinh được hoạt động kinh doanh thì công ty nên lựa chọn hình thức thành lập địa điểm kinh doanh.
Nếu doanh nghiệp muốn thành lập một cơ sở kinh doanh để kinh doanh nhiều lĩnh vực của doanh nghiệp mà có thể đại diện doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng với đối tác, khách hàng, xuất hóa đơn, hoạt động trên địa bàn tỉnh thành khác với nơi đặt trụ sở của doanh nghiệp thì công ty nên lựa chọn thành lập chi nhánh.
4. Hồ sơ đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh, chi nhánh
Theo Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và hướng dẫn tại Điều 31 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp khi đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh hay chi nhánh cần những giấy tờ sau:
Đối với thành lập chi nhánh, hồ sơ đăng ký bao gồm:
– Thông báo thành lập chi nhánh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
– Bản sao nghị quyết, quyết định thành lập và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; bản sao nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thành lập chi nhánh;
– Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đứng đầu chi nhánh.
Đối với thành lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp chỉ cần hồ sơ gồm thông báo lập địa điểm kinh doanh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc do người đứng đầu chi nhánh ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh.
5. Dịch vụ thành lập chi nhánh/ địa điểm kinh doanh tại HM Law
– Tiếp nhận thông tin từ khách hàng.
– Tư vấn cho khách hàng về quy định của pháp luật liên quan đến thành lập chi nhánh/địa điểm kinh doanh.
– Kiểm tra thông tin giấy tờ pháp lý, hồ sơ khách quan;
– Soạn thảo hồ sơ và trình khách ký;
– Đại diện khách hàng làm việc, theo dõi, giải đáp và nhận kết quả từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ HM LAW
Văn phòng: Tòa HPC Landmark 105 Tố Hữu, Phường La Khê, Quận Hà Đông, Thành Phố Hà Nội.
Hotline : 0987531612
Email : tuvanhmlaw@gmail.com
Tags: chi nhánh, doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh