MUA BÁN DOANH NGHIỆP LÀ GÌ? ĐẶC ĐIỂM CỦA MUA BÁN DOANH NGHIỆP?

I. Căn cứ pháp lý

Luật Doanh nghiệp 2020

Luật cạnh tranh 2018

Nghị định số 128/2014/NĐ-CP

II. Khái niệm mua bán doanh nghiệp?

Trong luật doanh nghiệp năm 2020 thì vấn đề “bán doanh nghiệp” được quy định tại điều 192 với nội dung:

Điều 192. Bán doanh nghiệp tư nhân

1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.

2. Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.

3. Chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.

4. Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này.

Như vậy, luật doanh nghiệp của Việt Nam chưa xử lý vấn đề này một cách cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế việc mua bán doanh nghiệp vẫn diễn ra với các loại hình công ty khác nhau thông qua hình thức chuyển nhượng vốn (đối với công ty TNHH) và chuyển nhượng cổ phần đối với Công ty cổ phần. Việc chưa có quy định cụ thể một chế định về mua bán doanh nghiệp có thể làm phát sinh nhiều hệ lụy pháp lý liên quan đến thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp trước, trong và sau quá trình mua bán.

Một cách tiếp cận khác về mua bán doanh nghiệp cũng đã được đề cập trong Luật Cạnh tranh năm 2018 tại khoản 4 Điều 29, theo đó:

“mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại”.

Với khái niệm này, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã chỉ rõ, việc mua lại doanh nghiệp có một số đặc điểm:

Một là, chủ thể mua và bán doanh nghiệp là doanh nghiệp;

Hai là, hình thức mua lại là toàn bộ tài sản doanh nghiệp hoặc một phần tài sản doanh nghiệp;

Ba là, hệ quả của việc mua lại doanh nghiệp phải dẫn đến việc bên mua kiểm soát, chi phối được toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại.

Tóm lại: Xem xét từ khía cạnh bản chất mua bán doanh nghiệp thì tất cả các hình thức, cách thức mua tài sản, mua nợ, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần… dẫn đến hệ quả là một bên kiểm soát hay chi phối được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác thì hiện tượng đó được coi là mua bán doanh nghiệp.

III.  Đặc điểm của mua bán doanh nghiệp

Một là, đối tượng của quan hệ mua bán là doanh nghiệp với tính chất là “hàng hoá” đặc biệt trong quan hệ mua bán doanh nghiệp.

Trước hết, mua bán doanh nghiệp có bản chất của quan hệ mua bán tài sản theo quy định của pháp luật dân sự “là hành vi trao đổi giữa người mua hàng nhận được quyền sở hữu hàng hóa từ người bán bằng cách trả một số tiền theo sự thỏa thuận về giá của hai bên”.

Với thương vụ mua bán doanh nghiệp, bên bán doanh nghiệp chuyển quyền sở hữu “hàng hoá” chính là một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp cho bên mua. Bên mua có thể là chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu của doanh nghiệp mục tiêu tùy thuộc vào việc bên mua mua một phần hay mua toàn bộ doanh nghiệp mục tiêu. Sau khi bán doanh nghiệp, bên bán sẽ không còn quyền sở hữu đối với một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đã bán và đổi lại bên bán sẽ được bên mua thanh toán một số tiền hoặc tài sản khác. Hình thức thanh toán trong thương vụ mua bán doanh nghiệp có thể là tiền mặt, chứng khoán của công ty mua hoặc những tài sản khác có giá trị đối với công ty bán.

Hai là, hệ quả của mua bán doanh nghiệp là bên mua phải kiểm soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu.

Đây là đặc điểm quan trọng của mua bán doanh nghiệp để phân biệt với các hình thức đầu tư tài chính.

Mua bán doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chí là bên mua phải giành quyền sở hữu toàn bộ hoặc phần vốn chi phối của chủ sở hữu doanh nghiệp mục tiêu đủ để tham gia vào bộ máy quản tri doanh nghiệp và kiểm soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu. Quyền kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu thể hiện qua việc bên nhận chuyển nhượng phải nắm giữ đủ tỉ lệ vốn chi phối để có quyền biểu quyết tại các cuộc họp của các cơ quan quản trị doanh nghiệp mục tiêu và thông qua các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp (quyết định phương hướng kinh doanh, tổ chức lại doanh nghiệp, thay đổi cơ cấu nhân sự, sửa đổi Điều lệ của doanh nghiệp mục tiêu…). Tỉ lệ vốn chi phối để thực hiện quyền kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu do pháp luật hoặc Điều lệ doanh nghiệp mục tiêu quy định. Tỉ lệ phần vốn chi phối ở mỗi một doanh nghiệp có thể khác nhau phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh, quy mô kinh doanh và số lượng chủ sở hữu doanh nghiệp.

Ba là, chủ thể có quyền bán doanh nghiệp phải là chủ sở hữu doanh nghiệp, chủ thể mua doanh nghiệp là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua doanh nghiệp và có quyền mua doanh nghiệp.

 

  •   Chủ thể bán doanh nghiệp

Chủ thể có quyền bán doanh nghiệp có thể khác nhau tùy thuộc vào cách hiểu về mua bán doanh nghiệp. Nếu chỉ nhận biết mua bán doanh nghiệp từ dấu hiệu hệ quả của mua bán doanh nghiệp là việc bên mua phải kiểm soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu thì chủ thể bán doanh nghiệp có thể là chủ sở hữu doanh nghiệp (chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp), có thể là doanh nghiệp (phát hành tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp). Tuy nhiên, theo nguyên lý chung về quyền của chủ sở hữu với tài sản thì chủ sở hữu tài sản có quyền định đoạt số phận pháp lý của tài sản đó bằng cách bán, tặng cho tài sản. Như đã phân tích, doanh nghiệp là đối tượng của thương vụ mua bán doanh nghiệp chứ không phải là chủ thể bán doanh nghiệp. Chỉ có chủ sở hữu doanh nghiệp mới là chủ thể có quyền bán doanh nghiệp.

Dựa trên tiêu chí về chủ thể bán doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp khác với mua bán tài sản của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ là đối tượng của quan hệ mua bán doanh nghiệp, doanh nghiệp không thể tự bán mình được. Vì vậy, chủ thể có quyền bán doanh nghiệp là chủ sở hữu doanh nghiệp đó. Khác với mua bán doanh nghiệp, theo lý thuyết chung về quyền của chủ sở hữu tài sản đối với tài sản thì chủ thể có quyền bán tài sản của doanh nghiệp chính là doanh nghiệp.

 

  • Chủ thể có quyền mua doanh nghiệp

Bên mua doanh nghiệp là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua bán doanh nghiệp, là đối tượng được mua doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Bên mua doanh nghiệp có thể mua doanh nghiệp bằng việc mua lại hoặc nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của chủ sở hữu doanh nghiệp để trở thành chủ sở hữu mới của doanh nghiệp.

Bốn là, hình thức pháp lý ghi nhận các quan hệ mua bán doanh nghiệp là hợp đồng, có thể là hợp đồng mua bán doanh nghiệp; hợp đông chuyển nhượng cổ phần, phàn vốn góp chi phối (gọi chung là hợp đồng mua bán doanh nghiệp).

Hợp đồng mua bán doanh nghiệp được các bên ký kết đối với trường hợp mua bán doanh nghiệp tư nhân, bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Hợp đồng chuyển nhượng vốn được ký kết giữa chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên và bên nhận chuyển nhượng toàn bộ vốn điều lệ hoặc phần vốn chi phối của chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên.

Thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên, cổ đông công ty cổ phần, thành viên hợp danh công ty hợp danh có thể chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần của mình. Hình thức pháp lý ghi nhận quan hệ chuyển nhượng này là hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần.

Căn cứ vào tiêu chí mua bán doanh nghiệp là chuyển quyền sở hữu và kiểm soát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu, có thể chia hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp thành hai loại với tính chất khác biệt nhau:

+ Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phàn vốn góp chi phối ghi nhận những nội dung của quan hệ mua bán doanh nghiệp. Nội dung các hợp đồng này thường có thỏa thuận về việc chuyển giao quyền kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu cho bên nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp.

+ Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là hình thức pháp lý của quan hệ đầu tư tài chính. Nội dung các hợp đồng loại này không ghi nhận việc chuyển quyền kiểm soát doanh nghiệp mục tiêu cho bên nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn và thông thường nội dung hợp đồng đơn giản hơn so với nội dung của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, phần vốn chi phối.

Năm là, mua bán doanh nghiệp phải được sự cho phép hoặc thừa nhận, kiểm soát của các cơ quan nhà nước theo những thủ tục pháp lý nhất định.

Thủ tục mua bán doanh nghiệp là một trong những nội dung quan trọng của điều kiện khung pháp lý về mua bán doanh nghiệp. Đa số các quốc gia trên thế giới đều quy định đối với một số thưong vụ mua bán doanh nghiệp khi đạt tới một mức doanh thu hoặc thị phần kết hợp đến “ngưỡng” phải kiểm soát hành vi mua bán doanh nghiệp theo quy định của pháp luật cạnh tranh thì các bên phải thông báo tới cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi thực hiện thương vụ đó. Điều đó có nghĩa là các bên chỉ được thực hiện thương vụ mua bán doanh nghiệp sau khi được sự chấp thuận của cơ quan quản lý cạnh tranh. Quy định này xuất phát từ yêu cầu bảo vệ cạnh tranh trên thị trường, ngăn ngừa những vụ tập trung kinh tế (trong đó có hành vi mua bán doanh nghiệp) để hình thành những doanh nghiệp thống lĩnh, doanh nghiệp độc quyền và lạm dụng vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền để thủ tiêu cạnh tranh.

 

Tags: