TƯ VẤN HỢP ĐỒNG, KINH DOANH THƯƠNG MẠI 

Phạt vi phạm hợp đồng trong thương mại như thế nào?

Phạt vi phạm hợp đồng trong thương mại là gì? Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng thương mại theo quy định của pháp luật? 

Khái niệm về phạt vi phạm hợp đồng

Là việc bên có quyền lợi bị vi phạm (VP) yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt nhất định do vi phạm hợp đồng. Mục đích của việc xây dựng loại chế tài này là nhằm răn đe, phòng ngừa vi phạm và giáo dục ý thức tuân thủ các cam kết đã ghi nhận trong hợp đồng (HĐ) và trừng phạt bên có vi phạm hợp đồng.

Điều kiện áp dụng

Chế tài phạt vi phạm chỉ có thể được đặt ra nếu như trong hợp đồng có thỏa thuận; Đây là điểm khác biệt của loại chế tài này so với các loại chế tài khác như: buộc bồi thường thiệt hại, buộc thực hiện đúng hợp đồng, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, hủy bỏ hợp đồng, …

Ngoài điều kiện phải được xác lập trong thỏa thuận, để có thể áp dụng trên thực tế chế tài này thì bên yêu cầu áp dụng cần chứng mình được các yếu tố sau:

– Có hành vi vi phạm HĐ;

– Thiệt hại thực tế;

– Hành vi vi phạm HĐ là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại.

Mức phạt vi phạm HĐ

Khác với phạt vi phạm trong dân sự, luật thương mại khống chế mức phạt tối đa không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Các bên tham gia hợp đồng có thể thỏa thuận về mức phạt vi phạm và phải tuân thể quy định về mức phạt tối đa.

Ngoại lệ với việc kinh doanh dịch vụ giám định.

Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định chịu phạt vi phạm nếu:

– Trường hợp cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt: không vượt quá 10 lần thù lao dịch vụ giám định.

– Trường hợp cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi cố ý của mình thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho khách hàng trực tiếp yêu cầu giám định.

Các biện pháp chế tài khác được áp dụng đồng thời với phạt vi phạm

Ngoài việc phạt vi phạm, chúng ta còn các chế tài khác như:

Buộc thực hiện đúng hợp đồng

– Trừ trường hợp có thoả thuận khác, trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nhưng không được áp dụng các chế tài khác.

– Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm được áp dụng các chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng

Trừ trường hợp luật có quy định khác:

– Nếu các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

– Nếu các bên có thỏa thuận phạt VP thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại.

  1. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cũng như cuộc sống thường nhật, những cá thể xã hội phải giao lưu, hợp tác, mua bán với nhau. Sự giao lưu, hợp tác ấy dựa trên cơ sở thỏa thuận làm phát sinh quyền, nghĩa vụ phải thực hiện và hình thành nên Hợp đồng. Với xu thế hiện nay, các thương nhân không chỉ giao lưu, mua bán trong một quốc gia mà còn hợp tác với các bạn bè quốc tế, tuy nhiên do chưa hiểu phong tục, tập quán kinh doanh của đất nước khác mà dễ phát sinh tranh chấp. Như vậy, vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa trong và ngoài nước được pháp luật quốc gia và quốc tế quy định như thế nào?

Hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước

Hợp đồng mua bán hàng hóa trong nước là một dạng của Hợp đồng mua bán tài sản, nó là sự thỏa thuận của các thương nhân về việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và bên mua phải nhận hàng, trả tiền cho bên bán, hoạt động mua bán diễn ra trên lãnh thổ của nước Việt Nam. Theo khoản 2 Điều 3 Luật Thương mại 2005, thì đối tượng của Hợp đồng là hàng hóa bao gồm: động sản (ví dụ như ô tô, xe máy,…), kể cả động sản hình thành trong tương lai; và những vật gắn liền với đất đai. Nhằm đảm bảo các bên giao kết, thực hiện đúng thỏa thuận trong Hợp đồng, bên cạnh việc tôn trọng thiện chí của hai bên thì pháp luật về thương mại quy định đầy đủ quyền và nghĩa của cả người mua và người bán.

Theo quy định tại mục 2 Chương II – mua bán hàng hóa Luật Thương mại 2005 quy định về quyền và nghĩa vụ của hai bên như sau:

  • Quyền và nghĩa vụ của bên bán:

Thứ nhất, bên bán phải giao hàng phù hợp với hợp đồng cùng các chứng từ liên quan đến hàng hóa đã thỏa thuận trong hợp đồng về số lượng, chất lượng, cách thức đóng gói, bảo quản và các quy định khác trong hợp đồng.

Thứ hai, bên bán cũng phải giao hàng tại địa điểm và thời hạn đã giao ước trước đó.

Thứ ba, bảo đảm quyền sở hữu đối với hàng hóa như không bị tranh chấp bởi bên thứ ba, hàng hóa phải hợp pháp và được phép lưu thông trên thị trường.

Thứ tư, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa không bị tranh chấp với bên thứ ba.

  • Quyền và nghĩa vụ của bên mua:

Thứ nhất, có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, được xác định trên mục đích sử dụng, ý định cụ thể của bên mua, chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hóa và sự bảo quản, cách thức đóng gói thông thường.

Thứ hai, bên mua có nghĩa vụ phải thanh toán và nhận hàng theo thỏa thuận, và tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định.

Hợp đồng mua bán hàng hóa ngoài nước

Với xu thế toàn cầu hóa hiện nay, các quốc gia mà đại diện là các thương nhân đang ngày càng giao lưu, hợp tác và buôn bán mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, mỗi đất nước khác khau thì có mỗi truyền thống, văn hóa độc nhất dẫn đến phong cách kinh doanh cũng không giống nhau. Vì vậy, năm 1980 Liên Hợp Quốc đã thông qua Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG), đây được coi  là nỗ lực hài hòa pháp luật trong lĩnh vực thương mại hàng hóa thành công nhất trong trong lịch sử. Đáng chú ý Việt Nam là quốc gia thứ hai trong ASEAN trở thành thành viên của CISG, điều này là một cánh của mới cho hoạt động ngoại thương của Việt Nam. Vì vậy, đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà một bên là thương nhân Việt Nam thì về nguyên tắc, CISG sẽ được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng này.

Mặc dù giữa Luật Thương mại 2005 và CISG chưa thực sự tương thích với nhau về mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, có thể hiểu hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế về bản chất là một hợp đồng mua bán hàng hóa thông thường giữa các thương nhân có trụ sở thương mại đặt ở các quốc gia khác nhau. Theo CISG tại Điều 11 thì hình thức của hợp đồng không nhất thiết phải được lập bằng văn bản và có thể được chứng minh bằng mọi cách về sự tồn tại của Hợp đồng.

Theo quy định tại Chương II, III Phần III CISG, quy định về quyền và nghĩa vụ của hai bên như sau:

  • Quyền và nghĩa vụ của người bán:

Thứ nhất, người bán có nghĩa vụ giao hàng, giao chứng từ liên quan đến hàng hoá và chuyển giao quyền sở hữu về hàng hoá theo đúng quy định của hợp đồng và CISG.

Thứ hai, đảm bảo sự phù hợp của hàng hóa bao gồm số lượng, chất lượng, phẩm chất và mô tả như thỏa thuận, đúng bao bì hay đóng gói theo hợp đồng. Và quyền của cầu người mua thực hiện các nghĩa vụ của họ.

  • Quyền và nghĩa vụ của người mua:

Thứ nhất, người mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và nhận hàng theo quy định hợp đồng và CISG.

Thứ hai, họ phải kiểm tra hàng hóa hoặc bảo đảm đã có sự kiểm tra hàng hóa trong một thời hạn ngắn nhất. Và yêu cầu người bán thực hiện các nghĩa vụ của họ.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa nội, ngoại thương

Mặc dù các thương nhân luôn luôn thiện chí trong việc hợp tác làm ăn và kinh doanh với nhau. Tuy nhiên, đối với quan hệ thương mại thì việc xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn và dẫn đến xung đột là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, để đảm bảo tốt quyền lợi của cả hai bên và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, pháp luật hiện hành quy định bốn phương thức giải quyết tranh chấp tại Điều 317 Luật Thương mại 2005. Đó là các bên tự thương lượng với nhau, hòa giải giữa các bên mà trung tâm là tổ chức trung gian, đặc biệt hình thức giải quyết tranh chấp thịnh hành hiện nay là Tòa án và Trọng tài thương mại.

  • Giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại được lựa chọn khi tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại, hoặc có ít nhất một bên hoạt động thương mại được quy định tại khoản 2 Luật Trọng tài thương mại 2010. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 5 và Điều 18 Luật này thì điều kiện đủ là các bên phải thỏa thuận tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài, không tính tới thời điểm thỏa thuận. Theo Điều 18 thì thỏa thuận này cũng không được vô hiệu, bao gồm tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền, hoặc không có năng lực hành vi dân sự, hình thức của thỏa thuận không phù hợp với quy định hoặc có yếu tố lừa dối, đe dọa, cưỡng ép và vi phạm điều cấm của Luật.
  • Tuy nhiên, Tòa án vẫn có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp hai bên không có thỏa thuận trọng tài hoặc có nhưng thỏa thuận này vô hiệu. Hoặc theo nghị quyết 01/2014/NQ-HDDTP bao gồm các trường hợp khác như: các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng nó đã chấm dứt hoạt động; trọng tài viên trọng tài vụ việc được các bên lựa chọn không thể tham gia giải quyết tranh chấp; trọng tài viên trọng tài vụ việc được lựa chọn từ chối giải quyết tranh chấp mà không có thỏa thuận việc lựa chọn người thay thế; quy tắc tố tụng được các bên lựa chọn khác với quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài được lựa chọn và trung tâm này không cho phép áp dụng quy tắc của trung tâm khác; người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn trọng tài, tuy nhiên các bên không được thỏa thuận thay thế khác.

Như vậy, bên cạnh hoạt động giao thương trong nước thì hiện nay có hoạt động liên quan đến ngoại thương đang ngày càng phát triển. Điều này là phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của thế giới vì nó giúp cho hàng hóa được lưu thông dễ dàng hơn, người tiêu dùng có nhiều chọn lựa sản phẩm phù hợp với mình nhất. Tuy nhiên, song song với điều này thì các tranh chấp phát sinh ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, các thương nhân nên chọn phương thức giải quyết tranh chấp đảm bảo được quyền lợi cho cả đôi bên

Mọi nhu cầu hay thắc mắc gì cần biết về hợp đồng, kinh doanh thương mại Quý khách xin vui lòng liên hệ hotline 0987631612 để được tư vấn sớm và hoàn toàn miễn phí.

Bài viết sau đó ISO 14001